Phương pháp dạy văn - Hà Huy Khoái

 

“Ý tại ngôn ngoại”, người xưa lời ít , ý nhiều.

Tại sao? Vì họ phải viết (khắc) trên thẻ tre, vất vả lắm. Chữ nào đáng viết lắm mới được viết.

Ngày nay chữ nhiều, ý ít? Tại sao? Tại cái bàn phím. Gõ nhẹ nhàng quá, chữ ra ào ào. Chẳng có ý gì mà chữ cứ thế tuôn ra.

Góp ý:

-  Các “trường viết văn” nên bắt các “nhà văn trẻ” làm bài thi không phải trên giấy A4, mà viết trên…bẹ chuối. Không khó như trên thẻ tre, nhưng chắc cũng phải cân lên nhắc xuống từng chữ.

- Các thầy dạy văn đừng “bình giảng”, đừng dạy học trò tán một câu thơ ra mấy trang giấy. Nên dạy họ bằng cách: lấy ra một bài văn, tìm xem có chữ nào bỏ đi được. Nếu bỏ được hết cả bài mà không mất đi ý gì thì càng tốt!

Dạy như thế một thời gian, chắc học trò sẽ giỏi văn lắm!

Xin kể thêm chuyện này:

Nhà điêu khắc vĩ đại người Pháp Auguste Rodin (1840-1917) đã sáng tạo nên pho tượng bất hủLe Penseur (Người suy tư), khắc họa hình ảnh một con người mà sự suy nghĩ căng thẳng hiện ra trên từng thớ thịt. Có người hỏi Rodin: “Làm thế nào mà ông có thể tạc nên pho tượng tuyệt vời đến vậy?”. Rodin trả lời: “Đơn giản thôi, tôi lấy một khối đá, và thấy cái gì thừa thì đẽo nó đi!”.

 

Hà Huy Khoái